Câu chuyện truyền cảm hứng để ta dạy và học tốt hơn trong mùa dịch
CÂU CHUYỆN TRUYỀN CẢM HỨNG ĐỂ TA DẠY VÀ HỌC TỐT HƠN TRONG MÙA DỊCH
Mái trường - Ngôi nhà thứ hai luôn là nơi lưu lại những dấu ấn đáng nhớ nhất cuộc đời mỗi con người. Ở nơi đó, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em gắn bó với nhau như ruột thịt và cùng nhau tạo nên những kỉ niệm khó phai khi phải học tập “ 3 tại chỗ” trong đại dịch COVID.
Các thầy các cô không chỉ truyền dạy kiến thức, mà như người cha, người mẹ thứ hai hàng ngày lo cho các em sinh viên cái ăn, cái mặc dưới mái trường mang tên: Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Những ngôi nhà cửa đóng then cài, những khu phố không bóng người qua lại. Hà Nội an toàn, tĩnh lặng đón Thu sang với mong muốn bình yên sẽ sớm về với mọi nhà. Nhưng bên trong mỗi cơ quan, trường học lại là sự hối hả, vội vã của những con người khi phải làm việc và học tập 3 tại chỗ. Không tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ăn ở dãn cách, từng giáo viên và sinh viên nghiêm túc thực hiện 5K với mục tiêu cao nhất cho công tác phòng chống dịch.
Ở nơi đó, “mái nhà bình yên” của Thầy trò trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội vẫn luôn ấm nồng tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy và phòng, chống dịch COVID-19. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại Hà Nội, ngay sau khi nhận được thông báo tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn với nguyên tắc “ai ở đâu, ở đó”, “ người ở vùng nào, ở vùng đó” để khoanh vùng, xử lý, dập dịch triệt để từ 06h ngày 06/9/2021 đến 06h ngày 21/9/2021.
Hành động nhanh trong tình hình mới, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Công đoàn trường thực hiện chương trình “Bếp hồng tình nghĩa HNIVC”, đem đến những suất ăn ngon miệng, đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời chăm lo đời sống tinh thần giúp Thầy và trò an toàn chống dịch, yên tâm học tập trong chiến dịch “Sinh viên 3 tại chỗ” đang diễn ra tại nhà trường.
“Bếp hồng tình nghĩa HNIVC” đã cung cấp hơn 4000 suất ăn trong 3 tuần qua, với với sự đóng góp cả về vật chất và tinh thần của ban lãnh đạo nhà trường, các công đoàn viên đến từ tất cả các Phòng, Khoa trong trường. Một nhiệm vụ mới, chưa từng có tiền lệ đã được các thầy cô trong Công đoàn của nhà trường hoàn thành xuất sắc.
Vẽ lên bức tranh đẹp đó phải kể đến sự đóng góp của cô Nguyễn Thị Kim Oanh- Chủ tịch Công đoàn trường, giáo viên giảng dạy bộ môn Ngoại ngữ- Khoa Lý thuyết cơ bản.
Mỗi ngày của cô giáo đều bắt đầu từ 05h sáng, cùng với các thầy cô đang phục vụ trong trường tất bật chuẩn bị những thực phẩm tươi ngon nhất, lên thực đơn, phân chia khẩu phần, tính toán chia đều để có được 200 suất ăn với chế độ dinh dưỡng đa dạng mỗi ngày cho cán bộ, giáo viên và các em học sinh sinh viên đang thực hiện chương trình 3 tại chỗ tại trường. Những hộp cơm sạch sẽ ngon lành, được xếp sẵn sau buổi học trưa và chiều cho các em.
Không phải đầu bếp chuyên nghiệp nên cô phải tính toán cẩn thận, thực đơn thay đổi hàng ngày, an toàn vệ sinh thực phẩm, hơn cả trách nhiệm việc chăm lo từng bữa ăn cho SV đã trở thành niềm vui trong công việc hàng ngày của cô. Và rồi cô lại tiếp tục lên lớp dạy Online, cháy hết mình với từng trang giáo án, quãng thời gian thật bận rộn, vất vả nhưng luôn ấm áp tràn đầy nhiệt huyết.
Nhìn thấy các em hàng tháng trời không không thể ra hiệu cắt tóc, cô đã mượn bộ tông đơ và trở thành thợ cắt tóc bất đắc dĩ. Những buổi chiều sau giờ học, các em tranh nhau xếp hàng để được cô cắt tóc làm đẹp, dưới bàn tay khéo léo với bộ tông đơ cũ những dáng tóc gọn gàng với đường nét khá tinh tế phù hợp cho từng khuôn mặt ra đời. Không phải là thợ cắt tóc chuyên nghiệp nhưng trong mắt các em cô luôn thật tuyệt vời.
Cuộc sống 3 tại chỗ vẫn hàng ngày tiếp diễn, hết lứa sinh viên này đến lứa sinh viên khác, hết đợt thực hành của lớp này sẽ đến đợt thực hành của lớp khác. Đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, BGH nhà trường quyết không để tình trạng học nghề mà chỉ học lý thuyết suông.
Tranh thủ để ăn và học, tranh thủ thực hành liên tục khi 3 tại chỗ, thực hành ngày 2 ca để rút ngắn thời gian học. Các thầy cô sẽ tạo điều kiện tốt nhất đảm bảo cho các em có đủ kỹ năng nghề nghiệp trong khi học tập giãn cách giữa đại dịch. Để sau khi Covid chấm dứt, sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội sẽ là một trong những lực lượng tay nghề chất lượng cao sẵn sàng lao vào phục hồi sản xuất công nghiệp.
Một lần nữa, hãy luôn lan tỏa những giá trị tốt đẹp của lòng quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, đón ngày chiến thắng đại dịch của cả thầy và trò trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.
Thương hiệu nhà trường không phải chỉ được tạo dựng qua những hình ảnh hay thước phim mà còn được xây dựng từ mối quan hệ giữa thầy và trò, từ sự yêu thương và chăm sóc của thầy cô đối với HSSV của mình.
_BTT_
Bài viết liên quan