Giải pháp đột phá đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Thực hiện Luật Thủ đô về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn Hà Nội hợp tác sâu với DN để sinh viên (SV) học nghề, khi tốt nghiệp làm việc ở vị trí kỹ thuật viên.
Sinh viên được học trên dây chuyền công nghệ mới
Công tác đào tạo gắn với Doanh nghiệp luôn được TP Hà Nội quan tâm chú trọng và coi đây là một giải pháp thúc đẩy mạnh kết quả tuyển sinh, nâng chất lượng đào tạo nghề. UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai, lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động thức đẩy, hỗ trợ DN và công tác đào tạo nguồn nhân lực cho TP. Đây cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Hà Nội và cả nước đã được nêu rõ trong Luật Thủ đô.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội được học nghề và trải nghiệm trên dây chuyền công nghệ hiện đại của DN. Ảnh: Trần Oanh.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác đào tạo nghề, các cơ sở GDNN đều thực hiện những giải pháp trọng tâm, đó là xây dựng chương trình, chỉnh sửa giáo trình phù hợp với yêu cầu thị trường lao động. Các trường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo bằng cách cử xuống DN để cập nhật công nghệ, tiếp cận với những dây chuyền sản xuất; giáo viên được bồi dưỡng nâng cao về phương pháp sư phạm, kỹ năng nghề... Nhà trường kết hợp với DN ngày càng được mở rộng trong việc mời DN cùng tham gia xây dựng chương trình, đánh giá quá trình đào tạo, đánh giá tốt nghiệp,…
Chia sẻ về giải pháp trong đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường cho hay: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề thì giải pháp đột phá là nhà trường phải kết hợp với DN trong quá trình tổ chức đào tạo. Chúng tôi thiết kế một phần chương trình hoặc một số modun được đào tạo trực tiếp tại DN. Đồng thời, tăng cường đưa HS, SV đi tham quan, trải nghiệm, học tập, thực tập tại DN, đặc biệt là ở những công ty có công nghệ mới, trang thiết bị sản xuất hiện đại để các em học hỏi, cập nhật kiến thức mới nhất.
Hiện tại, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đang hợp tác cùng Công ty VinFast, có 164 SV thực tập và làm việc tại DN này ở vị trí sản xuất và dịch vụ chăm sóc sau bán hàng. Nhà trường phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA-AI Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ COWAIN Việt Nam đào tạo theo đơn đặt hàng ở lĩnh vực Điện tử công nghiệp – Điện công nghiệp, Tự động hóa công nghiệp, Cơ điện tử, với vị trí kỹ thuật viên… “Với sự phối hợp này, SV được học ở giáo viên nhà trường và người của DN. Khi nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng, SV sẽ làm việc được trên những dây chuyền công nghệ và đúng vị trí kỹ thuật viên, chứ không phải lao động phổ thông” – bà Phạm Thị Hường khẳng định.
Nhà trường hợp tác với DN, sinh viên có việc làm ngay
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các bài giảng, đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo… Và một điểm mạnh của nhà trường đó là luôn mở rộng, duy trì và phát triển hợp tác với DN trong công tác đào tạo.
Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội có nhiều DN hợp đồng đặt hàng tuyển dụng và đào tạo, mang đến nhiều cơ hội lựa chọn việc làm cho sinh viên.
“Trong năm đã có nhiều hợp đồng đặt hàng tuyển dụng và đào tạo SV được ký kết giữa DN và nhà trường mang lại nhiều cơ hội lựa chọn nghề cho các em. Rất nhiều SV chưa ra trường đã được DN tiếp nhận, bởi đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc. Thể hiện rõ nhất là 100% SV tốt nghiệp trình độ CĐ có việc làm. Qua khảo sát, rất nhiều DN đều hài lòng về chất lượng nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo” – Phó Hiệu trưởng trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho biết.
Chúng ta phải tiến tới nhà trường gắn bó nhiều hơn với DN để thu hẹp khoảng cách công nghệ đối với SV khi làm việc tại DN và với nhà trường đang đào tạo các em, đây là quan điểm của lãnh đạo trường CĐN Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội. Ông Nguyễn Tiến Dũng là Phó Hiệu trưởng trường CĐN Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội thông tin: Hiện nay nhà trường có quan hệ thường xuyên với trên 40 DN. Ngoài việc hợp tác với DN trong xây dựng chương trình, khảo sát nhu cầu lao động, xây dựng mô hình học cụ đào tạo, đánh giá quá trình đào tạo, nhà trường còn tham gia với DN trong việc chia sẻ về chuyển giao công nghệ, thực tập kết hợp sản xuất. Qua đó để đạt mục đích SV có môi trường học tập giống như DN để sau này khi ra trường các em không phải qua đào tạo lại.
Khi nhà trường hợp tác với DN, 100% sinh viên trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội có việc làm, mức lương 8 - 15 triệu đồng/tháng.
“Đối với trình độ CĐ, 100% các em tốt nghiệp có việc làm, mức lương 8 – 15 triệu đồng/tháng. HS tốt nghiệp trung cấp, khoảng 70% tham gia thị trường lao động có việc làm, lương 8 – 10 triệu đồng/tháng, số còn lại học liên thông lên CĐ, đi xuất khẩu lao động, du học đại học ở Hàn Quốc, Nhật Bản” – ông Nguyễn Tiến Dũng cho hay.
Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp TP Hà Nội năm 2023 là cơ hội cho giáo viên nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với việc hợp tác nhà trường với DN đã mang tới lợi ích cho cả hai bên. Nhà trường đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng và lại được DN hỗ trợ trang thiết bị, nguyên vật liệu. DN tuyển dụng được lao động đáp ứng nhu cầu vị trí kỹ thuật mà không phải đào tạo lại. Về phía người học khi ra trường làm việc được ngay trên dây chuyền công nghệ, với mức lương cao. Nhà trường hợp tác sâu với DN được các cơ sở GDNN coi là giải pháp đột phát để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Ông Lư Tuấn – Giám đốc Quản lý dự án hợp tác tại Trung tâm Đào tạo Sản xuất HNIVC-FUNA cho biết: Các bạn SV được FUNA và trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đào tạo có kiến thức cơ bản về lý thuyết, thực hành; chấp hành tốt nội quy; rất chăm chỉ học tập và nâng cao kiến thức. Với việc được đào tạo kỹ năng chuyên ngành, ngoại ngữ, tác phong DN, an toàn vệ sinh lao động, hiện tại còn nửa năm nữa mới tốt nghiệp nhưng nhiều SV đã được các DN đăng ký tuyển dụng vào làm việc.
Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị -
Bài viết liên quan