Sinh viên trường nghề "3 tại chỗ" sẵn sàng chuyển tiếp xuống doanh nghiệp
SINH VIÊN TRƯỜNG NGHỀ "3 TẠI CHỖ" SẴN SÀNG CHUYỂN TIẾP XUỐNG DOANH NGHIỆP
Báo Dân trí
Các sinh viên đào tạo theo đơn đặt hàng của Vinfast, Viettel… được trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội bố trí đào tạo "3 tại chỗ", sẵn sàng chuyển tiếp xuống doanh nghiệp đúng tiến độ.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho hay: "Thực hiện kế hoạch đào tạo mùa dịch, khi hết giai đoạn dạy online, nhà trường xác định phải chuyển sang mô - đun dạy thực hành kỹ năng tay nghề trực tiếp.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp từ thời điểm 12/7/2021, bước vào năm học 2021-2022, nhà trường quyết định ngay cho những lớp đào tạo theo chương trình của Đức và lớp đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp được đến trường. Nhà trường đào tạo theo hình thức "3 tại chỗ" ăn - ở - học luôn tại trường".
Sinh viên Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hành tại xưởng
Nhà trường cũng thực hiện test Covid và các biện pháp chống dịch hằng ngày, đo thân nhiệt cho các em khi lên lớp. Chỗ ăn ở của sinh viên một tuần được phun khử khuẩn 2 lần. Bộ phận y tế của trường theo dõi hàng ngày, chăm sóc kiểm tra sức khỏe cho sinh viên.
Thời gian này, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho nhóm sinh viên này học cả ngày. Từ 6h đến 5h chiều (tức là một ngày học 11 giờ) để các em có nhiều kỹ năng vì trường phải thực hiện chia nhiều nhóm sinh viên, nhiều khu vực học và nhiều ca so với thông thường.
Các sinh viên được chia làm nhóm nhỏ đảm bảo phòng dịch.
"Ngày trước một lớp học 30 em chỉ chia 2 thôi, còn bây giờ phải chia 4 để giảm tải lượng sinh viên tiếp xúc với nhau và với giảng viên. Như vậy một giáo viên chỉ lên lớp chỉ dạy một nhóm từ 5-7 bạn.
Thầy cô cho biết, với hình thức học thế này các em tiếp thu hiệu quả hơn so với những lúc học đông, mỗi em sẽ tham gia vào phần thực hành được nhiều. Sinh viên cũng rất thích bởi ngày trước các em ở trọ, điều kiện sống có khi còn không được bằng ở trường. Còn bây giờ ở trường, nhà trường cũng bố trí giường, chăn, gối, chiếu, điều hòa, quạt.
Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ các em việc đặt ăn uống để đảm bảo vệ sinh và phòng dịch. Nhà trường có nhà ăn, thuê một công ty chuyên cung ứng - họ cử hai nhân viên đến ở và nấu ăn trực tiếp tại trường", nữ hiệu trưởng chia sẻ.
Nhà trường đã chủ động xây dựng phương án "3 tại chỗ", bố trí điều kiện ăn, ở, học tập khép kín cho sinh viên tại trường nhằm đảm bảo điều kiện phòng chống dịch.
Bà Phạm Thị Hường (áo đen) - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công đang xuống xưởng động viên học sinh, giảng viên nhà trường.
Hiện, tổng số sinh viên thực hiện "3 tại chỗ" của nhà trường là 72 bạn chia làm 4 lớp.
Nhà trường có tổng khoảng hơn 3000 sinh viên, không kể đến sinh viên khoa 42 sắp ra trường. Toàn bộ các đối tượng này đang học online.
Còn đối tượng các em học "3 tại chỗ" theo chương trình của Đức, theo kế hoạch, tháng 11 này là kỳ thi giữa kỳ chương trình của Đức cho nên nhà trường phải đảm bảo tiến độ, kỹ năng cho các em.
Hiệu trưởng cho biết thêm: "Cũng có các em nằm trong chương trình đặt hàng của Vinfast và Viettel Hà Nội. Nhà trường xác định những em này muốn chuyển sang giai đoạn 2 (sau 18 tháng học tập tại trường) thì các em phải đủ kỹ năng để vượt kỳ thi trước khi xuống học và làm việc tại doanh nghiệp. Các em là những học sinh rất quan trọng và là nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường lao động. Sau mùa dịch, doanh nghiệp rất cần nguồn lao động đào tạo có tay nghề".
Nhà trường đã lắp xong toàn bộ hệ thống wifi, camera phủ kín trường để các thầy cô có thể sử dụng các thiết bị quay và mạng dạy trực tuyến ngay tại chỗ
Cũng theo bà Hường, hiện những lớp bình thường toàn bộ phần dạy online đã xong, nhà trường đã triển khai kế hoạch dạy online cho năm học mới. Dự kiến phần online sẽ dạy xong trước tháng 9 sắp tới và sau đó nhà trường sẽ bổ sung toàn bộ phần thực hành trực tiếp cho các em tại trường.
Nếu dịch ổn định trước tháng 9, thì 3 tháng (tháng 10 đến tháng 12) nhà trường sẽ cố gắng hoàn thiện kỹ năng thực hành. Nếu không, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục dạy online trong suốt kỳ hoặc đổi sang hình thức "3 tại chỗ" với một số lớp sinh viên cuối năm 2, để đến khi kết thúc học kỳ 1 các em có thể đi học và thực hành tại doanh nghiệp.
Nhà trường đã lắp xong toàn bộ hệ thống wifi và camera phủ kín trường để các thầy cô có thể sử dụng các thiết bị quay, mạng để dạy trực tuyến ngay tại chỗ. Trong dạy nghề phải tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, thầy cô dạy khoảng 30% lý thuyết - 70% thực hành, phần thực hành giảng viên có thể có thể xuống xưởng để dạy.
Lệ Thu
Bài viết liên quan