Thí điểm mô hình liên thông giữa đại học quốc gia hà nội với trường cđn công nghiệp hà nội
Thí điểm mô hình liên thông giữa đại học Quốc gia Hà Nội với trường CĐN Công nghiệp Hà Nội
Ngày 19/11, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo văn phòng, các ban chức năng của ĐHQGHN; lãnh đạo Tổng cục và các cục, vụ thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); lãnh đạo các trường đại học thành viên, viện nghiên cứu của ĐHQGHN, các trường đào tạo nghề chất lượng cao thí điểm theo tiêu chuẩn của các quốc gia Úc, Đức; các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tập đoàn, đang hoạt động trong lĩnh vực kĩ thuật - công nghệ.
Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì hội thảo.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn kết nối các cơ quan quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để phát triển các chương trình đào tạo về lĩnh vực kĩ thuật - công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh CMCN 4.0.
ĐHQGHN mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng chất lượng cao để phát triển đội ngũ và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ.
Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở đại học (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế cách mạng 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ.
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi nguồn nhân lực có năng lực thích ứng nhanh. Một thế hệ công dân toàn cầu đang hình thành để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng, họ phải được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tốt và sử dụng thành thạo 2 công cụ: Công nghệ tin học và Ngoại ngữ.
Cơ cấu trình độ, sự phân tầng chất lượng sẽ phá vỡ những cách thức đào tạo truyền thống, cứng nhắc, hình thành hệ thống trường lớp mở, áp dụng phương thức đào tạo linh hoạt với mục tiêu cao nhất là cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao và thích ứng với các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thay đổi.
"Việc đẩy mạnh liên kết giáo dục nghệ nghiệp và giáo dục đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động" - thứ trưởng nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Hường – Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội
Tại hội thảo, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN Nguyễn Đình Đức cho biết, hiện nay quy mô sinh viên đại học chính quy các ngành này tại ĐHQGHN chiếm 22%. Đặc thù đào tạo các ngành liên ngành, kỹ thuật - công nghệ tại ĐHQGHN là điều phối nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách; chương trình đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm dùng chung.
Theo đó, các ngành kỹ thuật - công nghệ của ĐHQGHN bắt nhịp với xu thế mới, từ đó tăng nguồn lực cho sự phát triển của ĐHQGHN, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học; phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới về nguồn lực chất lượng cao.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã chia sẻ về định hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, gồm: hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư; hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của VIệt Nam và nước ngoài; trao đổi giảng viên, chuyên gia quốc tế…
Được biết, hiện nay mạng lưới cơ sở GDNN là 1.911 cơ sở với 1.142.820 học viên.
Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, Tổng cục đã thực hiện Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế" giai đoạn 2012 - 2015 (Đề án 371), từ năm 2014 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chuyển giao 34 bộ chương trình cấp độ quốc tế từ Úc và Đức (12 nghề từ Úc, 22 nghề từ Đức).
Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội thực hiện thí điểm đào tạo chương trình theo tiêu chuẩn Úc, Đức trước sự chứng kiến của lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH.
hNhân dịp này, Khoa Quốc tế, ĐHQGHN đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác với 03 trường Cao đẳng thực hiện thí điểm đào tạo chương trình theo tiêu chuẩn Úc, Đức trước sự chứng kiến của lãnh đạo ĐHQGHN và lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH.
Tại hội thảo, chủ nhiệm Khoa Quốc tế, ĐHQGHN Lê Trung Thành cho biết, các ngành đào tạo kỹ thuật và công nghệ tại Khoa tập trung vào các lĩnh vực then chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Quy mô và chất lượng các ngành kĩ thuật công nghệ tại Khoa Quốc tế liên tục tăng trong những năm qua.
_Tổng hợp_
Bài viết liên quan