TOẠ ĐÀM DỰ ÁN TỰ TIN LẬP NGHIỆP TẠI HUẾ & ĐÀ NẴNG THÁNG 8.2023
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2023 của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Thực hiện kế hoạch của văn kiện Dự án “Tự tin lập nghiệp” do Standard Chartered Foundation tài trợ thông qua tổ chức Plan International Việt Nam (Plan).
Trong thời gian từ 24 -27/8/2023, trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan Vietnam và Trung tâm REACH đã tổ chức hoạt động chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học tập về mô hình tuyển sinh, đào tạo, kết nối việc làm cho người học tại Huế và Đà Nẵng.
Buổi toạ đàm dự án “Tự tin lập nghiệp” tại Huế có sự tham dự của Tổ chức Plan Việt Nam và Trung tâm REACH. Về phía trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội có Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng cùng các cán bộ phòng ban ngành của trường.
Đại diện phía Plan Việt Nam có sự hiện diện của ông Nguyễn Đình Hoàn - Điều phối viên dự án Tự tin lập nghiệp - Đại diện tổ chức Plan cùng các cán bộ tổ chức Plan Việt Nam từ Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị. Về phía Trung tâm REACH có ông Trần Dũng - Quản lý trung tâm REACH tại Huế. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, điều phối viên dự án SCF – Viện REACH và ông Phạm Duy Thế, cán bộ mạng lưới thanh niên REACH Huế. Cũng trong buổi toạ đàm còn có sự tham dự của các đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị.
Bà Hoàng Minh Hồng, Trưởng Ban Kinh tế Gia đình của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, đã đồng tình chia sẻ về tầm quan trọng của công tác việc làm đối với thanh niên có hoàn cảnh khó khăn yếu thế, đặc biệt là phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa. Bà đã nêu rõ về những thách thức đặt ra, nhất là với các phụ nữ ở các tỉnh khu vực Quảng Bình và Quảng Trị. Bà rất mong muốn về việc phát triển những chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu của những người phụ nữ đang gặp khó khăn tại các tỉnh
Mục tiêu chính của buổi tọa đàm là trao đổi về công tác tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Ngoài ra toạ đàm còn tập trung vào hoạt động hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo; việc chuyển đổi số trong nhà trường và trao đổi về các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong đào tạo, kết nội việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Với chuyến hoạt động tại Thành phố Huế và Trung tâm REACH chi nhánh Huế (24 – 25/8), các bên đã có cơ hội được tham quan, học tập mô hình đào tạo tại Trung tâm REACH Huế, đặc biệt là các nghề được coi là thế mạnh tại REACH như: Thiết kế đồ hoạ 2D, Spa, Kỹ thuật chế biến món ăn Á – Âu, pha chế và phục vụ nhà hàng, buồng phòng…
Trong khoảng thời gian từ ngày 26 – 27/8, toạ đàm đã tiếp tục diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng và trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng, tham quan và tìm hiểu hoạt động đào tạo, cơ sở vật chất thiết bị các ngành nghề về công nghệ thông tin, du lịch, quản trị nhà hàng, khách sạn, may và các ngành nghề khối kỹ thuật, công nghệ tại trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng - thành phố du lịch đang phát triển mạnh mẽ, nội dung của buổi toạ đàm tập trung vào việc xây dựng mô hình phát triển bền vững cho tương lai. Các phát biểu và tranh luận sôi nổi đã tạo nên một diễn đàn cởi mở, giúp các bên tham gia cùng nhau nhận ra những vấn đề cấp bách, từ đó tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và học hỏi lẫn nhau. Sự đa dạng trong quan điểm và kinh nghiệm của các đại diện từ các trường và trung tâm đào tạo nghề đã làm cho buổi toạ đàm trở thành nền tảng thúc đẩy sự phát triển của mô hình đào tạo và hướng dẫn nghề, cũng như kết nối việc làm cho người học.
Trong buổi toạ đàm vừa diễn ra tại Trường Cao Đẳng Nghề Đà Nẵng, nhiều vấn đề quan trọng về tự chủ đào tạo, tuyển sinh và kết nối việc làm cho người học đã được thảo luận một cách sôi nổi và mang tính xây dựng cao. Buổi toạ đàm đã tạo cơ hội cho các bên tham gia hiểu rõ hơn về những thách thức và cơ hội trong công tác đào tạo và hướng dẫn người học tham gia dự án "Tự Tin Lập Nghiệp".
Trong bài diễn thuyết của Đồng chí Nguyễn Trí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, ông nhấn mạnh về việc tính toán chi phí đào tạo nghề hiệu quả. Theo ông, chi phí đào tạo nghề trên thế giới cao hơn gấp năm lần so với đào tạo đại học. Ông chia sẻ về tầm quan trọng của việc dạy thật – học thật - chất lượng thật, cũng như chi phí cần thiết cho việc ôn luyện cho sinh viên tham gia kỳ thi kỹ năng nghề thế giới. Ông Nguyễn Trí Trường đã đặt ra câu hỏi quan trọng về cách để đảm bảo việc đào tạo nghề chất lượng và hiệu quả, đồng thời kêu gọi sự hợp tác cùng chung tay xây dựng mô hình tốt hơn.
Đồng chí Hồ Viết Hà - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Nghề Đà Nẵng, đã chia sẻ về cách nhà trường tập trung vào chất lượng đào tạo nghề lên hàng đầu. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần nhiệt tình từ phía giáo viên trong công tác tuyển sinh và đào tạo. Từ Hiệu trưởng đến bảo vệ, tất cả đều đóng góp vào quá trình này, thể hiện một tinh thần đoàn kết và thấu hiểu sâu sắc về quá trình tuyển sinh và đào tạo. Ông cũng đề cập đến thành công của chương trình liên kết với các tổ chức nước ngoài, giúp học sinh từ 7 tỉnh miền Trung được học tập miễn phí trong 3 năm và tham gia các dự án thú vị.
|
Đồng chí Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Nghề Công nghiệp Hà Nội, đã đưa ra quan điểm về những khó khăn và thuận lợi trong việc tự chủ trong công tác đào tạo. Bà chia sẻ rằng việc tự chủ sẽ gặp nhiều khó khăn ban đầu, đặc biệt là trong bối cảnh các cơ chế chính sách có thể thay đổi. Tuy nhiên, nếu nhà trường vượt qua được những thách thức này, chúng tôi có thể phát triển mạnh mẽ hơn và vượt qua cả các trường tư nhân, nhờ có sự ưu tiên và hỗ trợ từ nhà nước và doanh nghiệp.
Buổi toạ đàm đã thể hiện một sự hợp tác đầy tiềm năng giữa các trường cao đẳng nghề, nhà nước và doanh nghiệp trong việc đào tạo và kết nối việc làm cho người học. Những ý kiến đóng góp và tranh luận sôi nổi tại buổi toạ đàm đã giúp mọi người nhận ra nhiều vấn đề quan trọng và cùng học hỏi lẫn nhau trong việc xây dựng một mô hình đào tạo nghề hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.
Dự án PLAN đã tạo ra môi trường tương tác quý báu trong những buổi toạ đàm thú vị, nơi mà HNIVC có cơ hội gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các trường và trung tâm đào tạo nghề khác. Đặc biệt, những buổi toạ đàm này đã hướng đến mục tiêu quan trọng là tạo điều kiện cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, để họ có cơ hội tiếp cận và học hỏi các nghề nghiệp phù hợp, giúp họ xây dựng cuộc sống ổn định và tự tin hơn trong tương lai.
Sự đồng hành và ủng hộ từ Nhà tài trợ SCF đã giúp chúng tôi thực hiện mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hệ thống đào tạo nghề, góp phần cùng cả xã hội thúc đẩy sự phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động trẻ. Thông qua dự án PLAN đã mang đến những thay đổi tích cực và ý nghĩa cho Trường Cao Đẳng Nghề Công Nghiệp Hà Nội cũng như cho cộng đồng học sinh, sinh viên tại HNIVC.
Chúng ta hy vọng rằng tinh thần hợp tác và chia sẻ trong dự án này sẽ tiếp tục lan tỏa và góp phần vào sự phát triển GDNN Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn,
Ban lãnh đạo Trường Cao Đẳng Nghề Công Nghiệp Hà Nội
_BTT_
Bài viết liên quan